Friday, 30 July 2010

Thơ tình người lính biển

Một tối, vợ bỗng dưng nghêu ngao (hoặc cũng có thể nói là "gào thét") một đoạn "biển một bên ..ên.... ên... và em một bên...ên...ên...."
Chồng hỏi vợ:
- Vợ có biết bài hát này được phổ nhạc từ một bài thơ rất nổi tiếng không
- Vợ không biết - vợ trả lời đầy ngạc nhiên bởi vì có thấy bao giờ chồng đọc thơ đâu cơ chứ.
Sau đó chồng lạch cạch với bạn google và mở toàn bộ bài hát cho vợ nghe (hic, hic)
-------------------
Thơ tình người lính biển

Anh ra khơi
Mây treo ngang trời những cánh buồm trắng

Phút chia tay, anh dạo trên bến cảng

Biển một bên và em một bên.



Biển ồn ào, em lại dịu êm

Em vừa nói câu chi rồi mỉm cười lặng lẽ

Anh như con tàu, lắng sóng từ hai phía

Biển một bên và em một bên



Ngày mai, ngày mai khi thành phố lên đèn

Tàu anh buông neo dưới chùm sao xa lắc

Thăm thẳm nước trôi, nhưng anh không cô độc

Biển một bên và em một bên.



Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên

Bão thổi chưa ngừng trong những vành tang trắng

Anh đứng gác. Trời khuya. Đảo vắng

Biển một bên và em một bên.



Vòm trời kia có thể sẽ không em

Không hiểu nữa. Chỉ còn anh với cỏ

Cho dù thế thì anh vẫn nhớ

Biển một bên và em một bên...
----------------
Nghe được một lượt
Chồng: đố vợ biết bài thơ này của ai
Vợ: chắc chắn không phải là của Tố Hữu ... Vợ chưa bao giờ thích thơ Tố Hữu ... Chồng đừng bảo là của Trần Đăng Khoa đấy chứ
Chồng: chính là của cái ông đấy đấy

Wednesday, 21 July 2010

Bó hoa của mẹ

Có lần, một người bạn của Rùa MóM nói với ý rằng, muốn viết hay thì phải lãng mạng. MóM không cho là như thế và cũng có thể đưa ra nhiều ví dụ để phản bác. Tuy nhiên, mình không làm thế vì thấy cái sự viết lách cũng như một thứ gì đó không giải thích (mà cũng không muốn tốn công giải thích) là vì sao nó phải thế này chứ không phải là thế kia.
Với Rùa MóM, hay là cái gì đấy thật. Vậy, cũng không cần phải lãng mạng lắm mới viết hay được (sự thật thì đôi khi cũng phũ phàng lằm). Còn viết thì giống như một cách giải trí và thỏa mãn nhu cầu được giãi bày. Tất cả cũng chỉ có thể.
Cũng như những lần tay mình nhảy trên bàn phím khác, hôm nay cũng là lúc muốn giãi bày về một một kỷ niệm liên quan tới mẹ. Từ câu chuyện của mẹ, ngay từ nhỏ Rùa MóM đã quyết tâm: (i) Không bao giờ để mình rơi vào cái cảnh là không thể mua nổi một bó hoa mình yêu thích và (ii) thà không có chồng chứ không muốn lấy một người chồng vô tâm.
-------------------
Kỷ niệm đấy thuộc về Tết năm mình học lớp 7. Cuộc đời vận đổi sao dời nên chẳng thể học được chữ ngờ. Bản thân mẹ, chắc cũng không ngờ được có lúc kinh tế gia đình lại phải trở nên eo hẹp như thế. Lương bố đi làm công cho chú, lúc ấy chắc chỉ được 300,000- 400,000 một tháng, còn mẹ thì hầu như không có lương. Hơn 2 năm trời, cả nhà sống bằng tiền tích kiệm từ trước đó. Nếu cuộc đời chỉ là hai vợ chồng, thì chẳng có gì phải nói nhiều nhưng lúc ấy mình đang tuổi đi học. Học sinh lớp chọn tiếng Anh, phải đi học thêm nhiều, biết bao thứ tiền phải nộp...
Gần tết năm ý mẹ hỏi con gái có muốn mua quần áo mới không. Con gái nói là không muốn vì cả ngày đi học suốt, toàn phải mặc đồng phục thì lấy đâu là lúc mặc quần áo khác. Cho nên mẹ cũng chẳng cần mua. Con gái không muốn mua giầy cho mùa đông và nói là đi giày bí chân lắm, đi dép rồi đi tất là ấm. Con gái cũng hiểu bố mẹ khó khăn. Dù thế, mẹ vẫn cứ sắm đủ cho con gái. Còn bố mẹ, không mua gì cho mình cả.
Khi nghĩ con gái đã ngủ, bố mẹ bàn nhau chuyện tiêu tết thế nào. Đời cũng phức tạp, ít tiền hay nhiều tiền cũng đều phải đau đầu vì tiền theo những cách khác nhau. Cái này bớt, cái kia thôi và cứ nhắc tới tiền nong là bố mệt rồi nên cái gì cũng tùy mẹ hết. Mình nhớ rõ năm ấy thời tiết xấu nên hoa không đẹp mà lại đắt. Bố bảo mua hoa giả cũng được chứ sao.
Hai mẹ con dạo khắp phố Hàm Long để mua hoa giả mà hoa giả lại còn đắt hơn hoa thật. Cuối cùng thì mẹ quyết mua hoa thật. Dạo khắp các chợ hoa, cuối cùng mẹ cũng tìm được bó Lay-ơn trắng với giá cả vừa phải nhất ở chợ hoa Quốc Tử Giám. Hai mẹ con đèo nhau bằng xe đạp đi về. Trên đường đi, con gái mỏi tay nên thỉng thoảng để hoa hơi nghiêng. Mẹ giận mắng ngay vì sợ hỏng hoa.
Sau bao công nâng niu thì cũng về tới nhà. Mẹ bận rửa lọ nên để hoa trên bàn phòng khách. Trời xui đất khiến thế nào mà mấy hôm hàng xóm lắm tiền nhiều của tự nhiên vào nhà mình chơi. Bố chẳng biết để bó hoa đâu bèn liệng luôn lên ghế. Mọi người ngồi qua ngồi lại làm gãy mất mấy cành. Cả mẹ và con gái giận lắm. Cảm giác của mẹ chắc giờ mình cũng chưa thể hiểu nổi. Còn mình thì giận bố ghê lắm, trách bố thì bố bảo cũng chỉ là hoa thôi, gãy vài cành vẫn cắm được hết. Mẹ buồn khỏi nói.
Chắc mẹ kể chuyện với bác Tập. Tối sát tết, qua nhà bác được bác cho một cây quất nhỏ nhỏ xinh xinh. Mẹ và con gái cũng đều biết, bác lúc ấy cũng chẳng khá giả gì...
----------------------------
Rùa MóM từng thủ thỉ với mẹ về quan điểm 2 không của mình ở trên. Mẹ liền nói lại như sau:
(i) Là con gái, tốt nhất con đừng nên trở thành trụ cột kinh tế trong gia đình làm gì. Thiên chức của phụ nữ là sinh con và nuôi dạy con cái
(ii) Đàn ông thì ít hay nhiều, ai cũng vô tâm cả thôi. Nhưng đừng lấy phải một thằng xấu đẹp thế nào cũng không biết, không có chính kiến của bản thân thì kiểu gì mình cũng khổ.

Wednesday, 14 July 2010

Thăng Long bốn mùa - Khi mùa thu bắt đầu

Hòa chung vào không khí thi đại học và vào cấp 3 của gia đình và xã hội, Rùa MóM tự dưng có cảm hứng viết lại những chuyện phiến ngày xưa của mình. Thì cũng chả có gì nhiều hơn những chuyện dở ương của cải tuổi ối ương, bưởi ngái nhưng nó gắn với khoảng thời gian 3 năm của mình. Ba năm học hành quan trọng nhưng mà lại được học trong một môi trường thoải mái tới bất ngờ (rồi mọi người sẽ biết vì sao lại là thoải mái)
Viết lại trước khi mình quên hết những cái chuyện thú vị (có thể??!), tào lao (chính xác!!!) và bậy bạ (cũng còn tùy người nghĩ???)
-------------------------------------
Thời gian: 2000 - 2003
Địa điểm: Hà Nội
-------------------------------------
Bố đang đứng vẫy tay tiễn mình và Minh Mập trong ngày đi thi vào lớp chọn của trường.
Bố: Hai đứa cố gắng thi tốt để thi vào lớp chọn. Sau rồi cũng vào lớp và ngồi cạnh nhau. Giúp đỡ nhau học hành nhé...
.... Sau thì hai đứa thi cũng đỗ vào thật. Học cùng lớp. Và cũng ngồi cạnh nhau luôn. Chỉ có điều là việc giúp đỡ nhau học hành thì có vẻ không thành hiện thực. Chỗ mình và nó ngồi hình như sau cũng trở thành một "tụ điểm mất trật tự" trong lớp. Tất nhiên cũng chả có gì lạ lắm, theo đánh giá của mình, vì bản thân tự thấy mình không phải là người nói ít.
-------------------------------------
Vào cuối mùa hè là lúc nhận trường và cũng là lúc đăng ký học thêm để củng cố kiến thức và chuẩn bị thi vào lớp chọn. Đây là thời điểm trước khi diễn ra câu chuyện ở trên. Thời gian này, mình được học giáo viên dạy văn ấn tượng nhất từ trước tới giờ. Để tớ diễn tả một cách sơ lược xem những ai học Thăng Long thời gian ấy có nhận ra không nhé.
- Giới tính: Nam
- Cao: tầm 1m70 gì đấy. Nói chung là không lùn nhưng không cao
- Tóc: đã có 2 thứ tóc trên đầu. Để kiểu trước ngắn sau dài
- Trang phục: quần âu +giày da đen +áo thổ cẩm. Trên tay thầy chắc phải có gần chục cái vòng tết dây (hình như là mốt lúc ấy)
- Khuôn mặt (theo mình nhớ): da ngăm đen và răng hơi vẩu (em xin lỗi thầy, nhưng em chỉ nhớ có thế)
-Thầy dạy văn lớp G và hình như cũng là chủ nhiệm luôn thì phải
--> chắc là mọi người nhận ra nhân vật chính rồi. Đó là thầy Sinh.
- Câu nói ấn tượng mà thầy đã "phang" vào đầu mình:"Kiều là một con ca-ve hạng nặng"...
^_^!!!!!
------------------------
Sau khai giảng thì sẽ là một tuần tập quân sự trong điều kiện nắng nóng cuối hè đang diễn ra gay gắt. Ba năm liền, hình như chả có năm nào là trời mát lấy một hôm trong cái tuần tập quân sự. Năm lớp 11 và 12 học buổi sáng thì còn đỡ chứ năm lớp 10 học vào buổi chiều mới thấy kinh khủng làm sao. Mình thì vẫn nhớ là năm lớp 10 và 11 mình vẫn anh hùng lắm, nhưng đến lớp 12 thì cũng có 1 lần tham gia với bạn Hà Chung lên phòng y tế nằm thẳng cẳng.
Khi học về đi đứng theo hàng ngũ:
Thầy giáo: các em! Bên phải quay! ..... Bên trái quay!...... Đằng sau quay!....
Học sinh (nghĩ thầm trong lòng): thầy ơi, quay từ nãy tới giờ là bọn em chín hết rồi thầy ahhhhhh

Khi học ném lựu đạn
Thầy giáo: Sao tôi lói mãi mà các em không thể thao tác đúng.... Bây giờ tất cả vừa nhìn tôi vừa nàm theo. Nhìn đây lày ... abc....def... lém!
Kết quả: cỡ 5 quả lựu đạn gỗ cứ hướng thầy mà phi tới
Chẳng hiểu thầy quên hay không biết rằng là khi mắt chú tâm với một điểm thì theo phản xạ, tay cũng ném vật đi theo hướng của điểm đấy. Trong khi đó thì lũ học sinh phía dưới xì xào
Học sinh 1: Nếu mà là lựu đạn thật thì thầy chắc phải chết tan xác mấy lần rồi mày nhỉ?
Học sinh 2: Thế mày nghĩ là bọn mình ngồi ngay gần thế này không chết chắc

Khi học cứu thương
Trời nóng, rất khó kiếm được bệnh nhân. Thế là chị em phải cố mãi mới túm được một chú (hình như là bạn Tùng thì phải). Thế là cái bạn nạn nhân ấy được băng đầu, băng ngực, nẹp chân, nẹp tay. v..v...Thề, sau khi băng bó như thế, nạn nhân mà đi được mới là giỏi :))
----------------------------------
Trực tuần
Các lớp thay phiên nhau làm. Mỗi lớp sẽ có trách nhiệm cử ra một đội. Trong vòng một tuần sẽ làm đi kiểm tra đồng phục, việc đeo huy hiệu đoàn của các lớp và bắt những tên đi học muộn. Việc đứng cổng trường bắt bớ thì tớ chưa bao giờ làm, còn việc đi kiểm tra ở từng lớp thì đã làm rồi.
Đi trực tuần thì toàn chọn lớp có bạn mình để chấm điểm cho dễ nương tay. Sí số thì lớp trưởng đã đếm và ghi sẵn trên bảng cho mà chép. Đồng phục và huy hiệu đoàn thì nhìn 3 dãy bàn đầu là xong rồi. Tại thì cũng biết tỏng ra là, lúc có cái mặt mình ở đấy thì áo sống cắm thùng nghiêm chỉnh, huy hiệu đoàn cài cắm đầy đủ. Chứ mình mà đi khỏi một cái là đâu lại về như nó vốn có ngay.
Kết quả chấm điểm sẽ được thông báo vào sáng thứ 2. Lớp mình thì hình như thường đứng nhất trường thì phải. Cũng có lần rơi rớt xuống hạng 2-3. Và cũng có một lần ở hạng bét...
:D
--------------------------------
Mình ngồi ở đâu nhỉ?
Năm lớp 10, ban đầu mình ngồi cạnh em Mập, phía trên là ai thì không rõ còn phái dưới là bạn Ngọc Minh và bạn Trọng. Ngồi ngay cạnh cửa ra vào ở cuối lớp và buôn dưa lê ác liệt. Sau thì cô giáo cứ nghĩ là do mình và Minh Mập ngồi cạnh nhau nên nó mới ra thế, cô chuyển em Mập xuống ngồi cạnh bạn Trọng còn Ngọc Minh lên ngồi cạnh mình. Tuy nhiên, tình hình cũng chẳng thay đổi đi. Có khi, ồn ào còn hơn trước.
Năm lớp 11, em Mập vẫn ngồi ở gần cuối lớp, mình và bạn Ngọc Minh được cho lên ngồi bàn thứ 3. Phía trên là bác sỹ Kiên và "nhà văn" Nguyễn Anh Đức. Dãy bàn bên cạnh hình như là "nhà văn" Nguyễn Minh Châu và "ca sỹ" Cù Dũng. Chéo chéo là Việt Dũng. Phía sau mình là "con gái" Hồng Hạnh và "cháu" Bảo Sinh. Cậu "con rể" (Sau chuyển thành con zai) thì ngồi sau "con gái" Hồng Tâm và em Phương trê, cách mình một dãy. Ah, vì bạn Trọng đi qua Úc du học, nên hình như em Mập lại ngồi cạnh bạn Thái thì phải.
Mình cam đoan là năm lớp 11 mình bớt gây mất trật tự hơn. Tất cả cũng phải cảm ơn bạn Ngọc Minh đã rất chăm mang truyện đến lớp. Hình như hồi đấy cũng đã "luyện" được bộ Ynua Yasha, Cô bé Ba Mắt, Một nửa Rama, Conan, Bác sỹ quái dị, Harry Porter, Anymous....Các bạn trong lớp cứ bảo cái chỗ mình ngồi suốt ngày đọc truyện. Oan quá, bọn tớ có phải ngày nào cũng đọc đâu. Bọn tớ chỉ đọc những ngày có truyện mới ra thôi (hình như là thứ 2, thứ 3 và thứ 5 thì phải).
Năm lớp 12, những vị trí của các dãy bên cạnh không có gì thay đổi lắm. Mình ngồi bạn thứ 2 cạnh "con gái" Dương Nga. Phía trước là Dung "mama" và Vân "khỉ". Bạn Ngọc Minh giờ ngồi cạnh bạn Đặng Bảo Ngọc (biệt danh thời đó: Ngọc ngớ ngẩn. Sorry bạn!!!!). Bàn thứ 4 của tổ là Mai Linh (Linh lợn) và bạn Tùng (bí danh thường được nhắc tới "vua khùng vương"). Sau tới em Mập và bạn Thái. Bàn cuối cùng là của bạn Quang Sơn và bạn Thanh Thảo... Dãy ngay cạnh mình hình như là có Diễm Dương và Trần Nga. Còn có cả bạn Thanh Tú nữa. Thỉnh thoảng bạn Quốc Anh lại lên hát cho bạn Thanh Tú nghe, làm bạn Ngọc Tú cũng được "nghe lây". Ôi, phúc của mình thật to tát!!!! Mô phật!

--------------------------------------
Nhà vệ sinh là nơi người ta rất dễ đi nhầm. Biển chỉ nhà vệ sinh nam và nữ không ở ngay cổng ngoài. Thời ấy, nhà vệ sinh có 2 phòng. Một phòng ngoài cùng trống không, thường được dùng để thay đồ. Phòng đi vệ sinh ở phía trong. Và cái biển chỉ đây là phòng của nam hay nữ thì nằm ở trên cái cửa dẫn vào cái phòng thứ 2. Thành ra, bạn phải đánh liều trong những lần đầu tiên nếu như không có ai đi ra hoặc đi vào để biết là phòng nào là của "con" nào
Nhầm lẫn thường xảy ra với học sinh lớp 10 khi chưa quen trường. Tất nhiên là học sinh lớp trên cũng có, chắc tại do lúc ấy "bức xúc" quá rồi :))
--------------------------------------
Cái áo dài thời học sinh
Mùa tựu trường năm lớp 10 với nhiều tò mò thì mùa tựu trường năm lớp 11 lại là cái gì đó ngại ngùng. Không còn xa lạ với bạn bè và trường lớp mà là với chính mình khi lần đầu tiên mặc cái áo dài trắng đi đến trường. Nói chung là mặc áo dài là phải đầu tư. Trước tiên là thời gian đi chọn vải may áo, chọn hàng may áo, may hỏng phải chữa đi chữa lại đôi lần. Sau rồi phải sắm đôi dép cao gót để đi cho thêm phần thướt tha. Cuối cùng là phải quen với nó. Những lần đầu tiên thì còn phải nhờ mẹ lên cài hộ áo. Sau rồi dần dần tự mặc được. Đến năm lớp 12 thì tự cài được áo cho mình với tốc độ như cài khuya áo sơ mi mình thường.
Tai nạn mình ghét nhất khi mặc áo dài là dẫm phải tà áo. Có lần bước lên cầu thang dẫm phải tà áo dài, suýt thì ngã. May chỉ tuột có 1-2 cái cúc ở nách áo. Phi vội vào lớp để nhờ cài hộ. Hết hồn!
Giờ cái áo dài đấy mình vẫn còn giữ nhé!
----------------------------------------
Lớp 10 = Đồng phục trường. Lớp 11 = Áo dài. Lớp 12 = Đồng Phục lớp
Từ đầu năm lớp 12 đã rầm rộ in đồng phục lớp. Lớp mình sau một hồi thiết kế và bạn bạc đã chọn áo màu đỏ với dòng chứ trắng "Ilove12a" ở ngực. Chả biết mọi người thế nào chứ tớ vẫn còn giứ nó. Trước ngày đi với chồng tớ lôi ra xem, nó vẫn còn mới nguyên và đỏ chót như thế.
Thời ấy, nhà trường cũng dành hẳn một ngày trong tuần ra để cho các lớp mặc áo đồng phục. Một ngày mà sân trường rất rực rỡ với đủ các màu. Và ngày hôm đó, các thấy cô dạy lớp mình chắc cũng sẽ rất "rực" mắt khi thấy trước mặt mình là một cơn lốc đỏ

Mình vốn không thích thơ Tố Hữu, nhưng mà mình lại đã từng được gắn với một câu thơ của ông,"Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi". Bạn bè đùa mình gọi như thế vì thỉnh thoảng mình mặc áo đỏ đồng phục lớp và đội một cái mũ màu xanh lá cây. Thời ấy mình có một cái mũ màu xanh lá cây do bồ tặng. Thường thì mình không đội nó nhưng mà cũng có hôm phải dùng tới khi cái mũ trắng yêu quý của mình giặt chưa khô. Mũ xanh thì vẫn còn ở nhà còn mũ trắng thì đã bị giật mất rồi.

Và những truyện tào lao sẽ còn tiếp diễn....